HÀNH TRÌNH NETZERO CARBON
Ngành năng lượng Việt Nam được dự báo có mức phát thải CO2 là 101 triệu tấn vào năm 2050, chiếm trên 70% lượng phát thải quốc gia, do đó năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện những cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu. Để thực hiện được những cam kết này, đối với ngành năng lượng, nước ta tập trung các giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển nguồn điện có phát thải carbon thấp.
Doanh nghiệp cần thay đổi
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ (NET ZERO). Ngay sau COP26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm giảm phát thải, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu như: Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng; Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon trong nước; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nhiều tổ chức trong nước, quốc tế đưa ra những đánh giá rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 và xa hơn, nhưng trong hoạt động sản xuất – kinh doanh thực tế, hơn ai hết, chính các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp xuất khẩu, đều nhận thấy rằng, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn các sản phẩm, dịch vụ xanh, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển chung của Trái đất. Tại châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế khác, các hàng rào thuế quan để kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời khuyến khích quá trình khử carbon trong sản xuất trong nước. Thực tiễn này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung phải thay đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon từ các thị trường lớn, giữ vững vị thế trên thương trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời bảo vệ được môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của Chính phủ, của các bộ, ngành và sự hợp sức thực thi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp.
Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, với mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam cũng tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng với tốc độ khoảng 10 đến 12% hàng năm, đảm bảo tránh tình trạng thiếu điện cục bộ và tăng cường an ninh năng lượng. Mặt khác, than đá và dầu – các tác nhân chính của khủng hoảng khí hậu, dự kiến sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong sản xuất điện thập kỷ tới. Ngành năng lượng vẫn sẽ là nguồn đóng góp quan trọng với ước tính chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Chính phủ Việt Nam đã nhìn thấy tiềm năng tác động của biến đổi khí hậu và nỗ lực thực hiện các giải pháp thông qua cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero), cùng với đó là sự gia tăng 4 lần công suất năng lượng mặt trời và gió từ năm 2019, đồng thời công bố Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng trị giá 15,5 tỷ USD với liên minh các đối tác quốc tế (JETP).
Giải pháp phát triển năng lượng tái tạo
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Hùng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nước ta được đánh giá có tiềm năng dồi dào về năng lượng tái tạo, nhưng việc phát hiện, khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo đang còn là vấn đề mới được quan tâm và tất nhiên chưa có vị trí xứng tầm với tiềm năng của nó.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng gió, năng lượng sinh khối… Cụ thể, Việt Nam có đường bờ biển trải dài hơn 3.200km cùng đặc thù khí hậu thuộc vùng cận nhiệt đới gió mùa. Với đặc điểm khí hậu, địa lý này, mùa Hè xuất hiện các đợt gió mùa Tây Nam với tốc độ gió trung bình khá mạnh. Vì vậy, lợi thế địa lý tạo ra tiềm năng về phát triển năng lượng gió tại Việt Nam rất lớn. 39% lãnh thổ của Việt Nam có tốc độ gió mạnh hơn hơn 6m/s tại độ cao 65 m, tương ứng với 513 GW. Hơn nữa, hơn 8% lãnh thổ được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt.
Về phát triển năng lượng mặt trời, Việt Nam cũng là một trong các nước được đánh giá cao về tiềm năng phát triển trong khu vực châu Á. Đặc biệt hai khu vực miền Trung và miền Nam có tổng số giờ nắng mỗi năm dao động từ 1.400-3.000 giờ cùng bức xạ mặt trời dao động khoảng 4-5 kWh/m2 hàng ngày. Việt Nam tồn tại năng lượng mặt trời quanh năm tại khắp các vùng miền trên cả nước và duy trì khá ổn định. Trong đó, miền Trung và miền Nam có trung bình số ngày nắng vào khoảng 300 ngày mỗi năm.
Là một nước có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành nông nghiệp, tiềm năng về nguồn năng lượng sinh khối tại Việt Nam là rất lớn. Các nhiên liệu sinh khối chính là năng lượng gỗ, phụ phẩm và phế thải từ cây trồng, rác thải ở đô thị, chất thải chăn nuôi và những chất thải hữu cơ khác. Nguồn năng lượng sinh khối có thể được đưa vào sử dụng sau khi đốt, hoặc qua quá trình biển đổi thành viên nhiên liệu sinh khối. Các nhiên liệu sinh khối đến từ phế thải nông nghiệp, rác thải hữu cơ, chất thải chăn nuôi có tiềm năng rất lớn với công suất tổng khoảng 400 MW.
Nguồn nhiên liệu sinh khối phục vụ cho quá trình sản xuất năng lượng ở Việt Nam lên đến 150 triệu tấn hàng năm. Một số nhiên liệu sinh khối có thể sử dụng trực tiếp về mặt kỹ thuật trong quy trình sản xuất điện, hoặc công nghệ đồng phát năng lượng được áp dụng như: rác thải sinh hoạt tại các khu vực đông dân cư, bã mía thừa tại các nhà máy sản xuất đường, chất thải chăn nuôi thừa từ trang trại gia súc, hộ gia đình, trấu và chất thải hữu cơ khác đến từ các nhà máy chế biến nông – lâm – hải sản.
Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, phân bổ trên nhiều vùng lãnh thổ của đất nước nên tiềm năng phát triển năng lượng thủy điện là rất lớn. Trong đó, triển vọng về năng lượng thủy điện có quy mô nhỏ tập trung nhiều ở các vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Tại Việt Nam, thủy điện vẫn là nguồn năng lượng tái tạo có công suất lớn nhất. Việt Nam có hơn 2.200 con sông và suối với chiều dài lên đến 10km với 90% là các sông suối nhỏ. Do vậy, việc phát triển năng lượng thủy điện nhỏ tại Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế. Chỉ trong năm 2018, trên 3.300MW thủy điện nhỏ đưa vào hoạt động.
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời là nguồn năng lượng có tiềm năng nhất tuy nhiên lại bị hạn chế do nhu cầu sử dụng đất quá lớn, trung bình tầm 1,1 – 1,2 ha sử dụng để khai thác 1 MW). Điện mặt trời có tiềm năng sử dụng cho các mô hình mô phỏng khoảng hơn 380 GW. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này không phân bổ đều khắp lãnh thổ mà tập trung nhiều tại các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Các dự án phát triển năng lượng điện mặt trời ngày càng nhiều tại Việt Nam, một trong những động cơ thúc đẩy là các cơ chế khuyến khích của nhà nước. Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án này đều có thể thực hiện vì tiến độ xây dựng điện truyền tải khó đáp ứng được tiến độ vận hành của các dự án này đồng thời các thủ tục xây dựng và kêu gọi vốn cũng làm cho dự án bị chậm tiến độ.
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Hùng, việc phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề như: năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới trong 2 năm gần đây; Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn về hệ thống điện mặt trời hay quy định về việc cấp phép hoạt động điện lực cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực lắp đặt; phát triển năng lượng điện gió còn thiếu dữ liệu đáng tin cậy và cần thiết; cơ sở hạ tầng tại Việt Nam còn thô sơ trong khi các thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất năng lượng điện gió đều là các công nghệ siêu trọng lượng đã gây ra thách thức và rủi ro đến sự an toàn của người dân; năng lực vận hành, quản lý và bảo dưỡng còn nhiều điểm hạn chế và chưa phù hợp; hòa lưới mạng điện quốc gia tại khu vực sản xuất điện gió ngoài khơi, gần bờ và trên bờ còn chưa có tiêu chuẩn riêng khiến cho quá trình đàm phán về hoạt động nối lưới điện còn gặp nhiều khó khăn và kéo dài; nhà thầu chưa có kinh nghiệm trong việc áp dụng các công nghệ mới và kỹ thuật hiện đại.
Ngoài ra, Việt Nam hiện có rất ít doanh nghiệp thương mại cung ứng các thiết bị năng lượng xanh và dịch vụ liên quan đến các nguồn năng lượng này. Do đó, hệ thống thiết bị và công nghệ phục vụ cho phát triển năng lượng tái tạo trong nước cần được nhập khẩu. Các hoạt động hỗ trợ sau quá trình lắp đặt còn chưa được thực hiện, đặc biệt đối với các khu vực thuộc vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển năng lượng tái tạo, chuyên gia Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần quy định hệ thống pháp lý chặt chẽ, thường xuyên sửa đổi, bổ sung đề đáp ứng xu thế thời đại; hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo sự rõ ràng trong quy định thẩm quyền của các cấp quản lý. Ngoài ra, nhà nước cần xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và đầu tư năng lương tái tạo; cần hình thành và phát triển quỹ năng lượng tái tạo; thúc đẩy hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh theo định hướng cơ chế giá thị trường như các lĩnh vực khác.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cần đề cao công tác nghiên cứu và tìm ra phương pháp tiếp cận, đề ra định hướng phát triển năng lượng tái tạo phù hợp. Các phương pháp nghiên cứu cần được xem xét kỹ lưỡng, có đánh giá từ nhiều chuyên gia từ đó khắc phục các nhân tố gây cản trở, thúc đẩy nhân tố phát triển năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư trong tiến trình hội nhập cần áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong vận hành, sản xuất và sửa chữa nhằm gia tăng hiệu quả của năng lượng tái tạo. Nhà đầu tư cần đảm bảo chất lượng hệ thống quản lý, tuyển dụng lao động có trình độ và năng lực tương xứng với công việc nhằm hạn chế những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình vận hành và nâng cao chất lượng, gia tăng vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Cùng với đó, nhà đầu tư cần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để chuyển giao công nghệ hiệu quả, hội nhập với tiến trình phát triển của xã hội, đem đến nhiều thành tựu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Hoàng Nam (TTXVN)
WeGreen - Chúng Tôi Là Xanh, một dự án chủ lực của ESG Education & Business, được dành riêng để phát triển các dự án biochar từ phế phẩm trong nông nghiệp với ứng dụng công nghệ xử lý cao để tạo ra biochar có chất lượng cao phục vụ cho việc xuất khẩu và ứng dụng trong các lĩnh vực như làm phân bón, chất xử lý nước, thực phẩm , dược phẩm...cũng như tín chỉ carbon chất lượng cao trong thời gian tới.